CỘNG ĐOÀN CHÚA KITÔ PHỤC SINH

TRUNG TÂM ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

1616 Pyrenees Avenue - Stockton, CA 95210

SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN NĂM A 19-07-2020

Đăng vào: 06:07 NGÀY 18/07/2020        Số lượt xem: 602

Đừng nhổ cỏ lùng

(19.7.2020 – Chúa nhật 16 Thường niên A)

Lời Chúa: (Mt 13,24-43)

24 Hôm ấy, Ðức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời thì ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” (28) Ông đáp: “kẻ thù đã làm đó!” Ðầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra nhặt đi không?” (29) Ông đáp: Ðừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.

(31) Ðức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32) Tuy nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.

(33) Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”.

(34) Tất cả các điều ấy, Ðức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, (35) hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

(36) Bấy giờ, Ðức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. (37) Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruông là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, (42) rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Suy Niệm

Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Cỏ lùng trong ruộng khiến các đầy tớ ngỡ ngàng. Thửa ruộng vốn chỉ được gieo giống tốt. Vậy mà khi lúa mọc lên và trổ bông. cỏ lùng lại xuất đầu lộ diện. Bởi đâu mà có cỏ lùng, có người xấu? Bởi đâu mà ở nơi ta tưởng là trong ngần lại bất ngờ có dấu hiệu của sự vẩn đục? Có tác động xấu xa nào của Thần Dữ đẩy đưa? Có sự ưng thuận chiều theo nào của con người?

Ông có muốn chúng tôi nhổ đi không? Chúa có muốn chúng tôi tiêu diệt mọi kẻ xấu không? Ngài có muốn chúng tôi xây doing một Giáo Hội toàn bích, một xã hội chỉ gồm toàn những người tốt không? Lắm khi chúng ta nóng nảy như Gioan và Giacôbê, đòi đốt cả làng người Samari, vì họ không tiếp Chúa.

Ðừng, sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, lại làm hư rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Như thế Thiên Chúa để cho cỏ mọc chung với lúa. Ngài chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn. Ngài nhẫn nại với tội nhân, với cỏ lùng. Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được. Nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt. Chính vì thế Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì tôn trọng tự do lựa chọn của họ. Chờ đợi vì nuôi một niềm hy vọng lớn lao. Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở nơi sự chờ đợi. Ngài còn chờ đợi cho đến ngày tận thế.

Trong thế giới và Giáo Hội không có hai hạng người: hạng cỏ lùng và hạng lúa tốt.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở nơi tim mỗi người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cài thiện và cái ác, giữa thiên thần và Satan. Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi, tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt. Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng ở trong tôi. Ngài chờ tôi được thanh luyện dần dần, để rồi mọi sự trong tôi thành lúa tốt.

Kitô hữu không dung túng sự dữ, họ dám hy sinh để xây dựng một thế giới yêu thương. Nhưng họ không dùng bạo lực để chống lại ác nhân. Họ nhẫn nại biến đổi trái tim kẻ thù, vì họ tin vào sức mạnh của tình yêu, tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã bị sự dữ nuốt chửng nhưng cuối cùng là Ðấng toàn thắng.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.

Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.

Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

Thế giới hôm nay không cần những Kitô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.

Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường gập ghềnh. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


CÁC TIN KHÁC

SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA GIÁNG SINH  NĂM B - LỄ THÁNH GIA THẤT 27-12-2020
SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA GIÁNG SINH NĂM B - LỄ THÁNH GIA THẤT 27-12-2020

NGÀY CÀNG LỚN LÊN
(27.12.2020 Tuần Bát nhật Giáng sinh – Lễ Thánh Gia năm B)

Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét. Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành.

SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỪ ĐẠO VIỆT NAM  NĂM A 26-11-2020
SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH TỪ ĐẠO VIỆT NAM NĂM A 26-11-2020

KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN
(26/11/2020: Các Thánh tử đạo Việt Nam)

“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Ðức Kitô.” Ðó là câu trả lời của ông Micae Hồ Ðình Hy khi vua Tự Ðức mời ông giả vờ bước qua thánh giá. Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ. Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội. Khi quân Pháp bắn phá cảng Ðà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình. Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN  NĂM A 22-11-2020
SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A 22-11-2020

VÌ XƯA TA ĐÓI
(22-11-2020 Chúa nhật 34 Mùa Thường niên, năm A - Đức Giêsu Kitô Vua)

Têrêsa Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ. Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương, mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ. Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN  NĂM A 15-11-2020
SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A 15-11-2020

VÀO MÀ HƯỞNG NIỀM VUI
(15-11-2020 Chúa nhật tuần 33 Thường niên Năm A)

Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu. Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa, một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá. Nhìn như thế đúng nhưng không đủ. .

SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN  NĂM A 08-11-2020
SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A 08-11-2020

VỪA MANG ĐÈN, VỪA MANG DẦU
(08-11-2020 Chúa nhật tuần 32 Thường niên Năm A)

Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ, như chú rể đến lúc nửa đêm. Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan, hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng. Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự. Chắc họ đã lo trang điểm cho mình. Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn. Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya. Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới. Nhưng muộn quá! >

Top