CỘNG ĐOÀN CHÚA KITÔ PHỤC SINH

TRUNG TÂM ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

1616 Pyrenees Avenue - Stockton, CA 95210

MÙA CHAY NĂM A 2020

Đăng vào: 07:02 NGÀY 28/02/2020        Số lượt xem: 741

Kitô Hữu: Sống đạo hay giữ đạo?

Nhiều lúc Ki-tô hữu chúng ta tự hỏi không biết mình đang sống đạo hay giữ đạo. Vì trong đời sống thường ngày, chúng ta chỉ quan tâm làm một số việc đạo đức theo thói quen như đọc kinh, xem lễ, rước lễ, lần hạt, làm dấu thánh giá vv...Và chúng ta an tâm mình đã là người Ki-tô hữu chính danh rồi. Thực ra, xét cho kỹ thì đó mới chỉ là “giữ đạo” theo thói quen và theo luật lệ, chứ chưa phải là sống đạo, hành đạo theo ý Chúa. Nhất là việc “giữ đạo” của ta thường chỉ nhằm mục đích mình sẽ được rỗi linh hồn và được lên thiên đàng.

Thực ra giữa hai việc “giữ đạo” và “sống đạo” có một sự khác biệt rất lớn.

Tác giả Trầm Thiên Thu, trong bài “Giữ đạo và sống đạo” đã diễn giải sự khác biệt giữa giữ đạo và sống đạo, như sau: “Giữ đạo là dạng sơ đẳng và tiêu cực, sống đạo mới là cao đẳng và tích cực. Sống đạo đúng nghĩa không hề đơn giản! Chúng ta giữ đạo chỉ cần làm dấu, đọc vài kinh (chứ chưa chắc cầu nguyện), tham dự phụng vụ trong nhà thờ, ‘đóng khung’ từ cửa nhà thờ vào. Nhưng sống đạo không phải vậy, mà phải ‘đi vào đời’ chia sẻ mọi điều với tha nhân, nghiêm túc từ trong ý nghĩ rồi mới phát tiết ra cử chỉ, ngôn ngữ, ánh mắt, thái độ và hành động. Khó lắm thôi!”. [1]

Một tác giả khác đã chia sẻ như sau: “Có những người theo đạo cả cuộc đời nhưng chẳng thấu đáo lẽ đạo. Có những người giữ đạo rất cẩn thận, tỉ mỉ chu toàn các giới răn của Chúa, thi hành điều luật của giáo hội nhưng tâm đạo thì nguội lạnh, thờ ơ. Có những người sống đạo lấy lệ, đôi khi còn khoe là đạo gốc ba bốn đời nhưng không thực hành đạo. Có những tín hữu, nhìn xem hình thức bề ngoài rất tốt, họ tham gia mọi sinh hoạt cộng đoàn nhưng thiếu lòng bác ái yêu thương. Như thế để trở thành một người Kitô hữu tốt, phải là người có tâm đạo và sống thực với niềm tin của mình. Niềm tin đối với Thiên Chúa và với tha nhân”. [2]

Vậy thế nào là “Giữ đạo” và thế nào là “Sống đạo”?

* GIỮ ĐẠO

Trước hết, chúng ta không dám phê phán cách thức giữ đạo, hành đạo của rất nhiều tín hữu từ xa xưa tới nay. Chúng ta cũng không lạm bàn gì về vấn đề đạo-tại-tâm hay đạo-hình-thức. Ở đây chỉ mong làm sáng tỏ một vài vấn đề căn cốt mà nhiều người rất quan tâm. Đó là khái niệm “Giữ đạo” và việc hành đạo theo quan niệm “Giữ đạo”.

Nhiều người coi đạo như một mớ lý thuyết phải biết, một số điều phải tin, một vài điều buộc phải giữ, một số sinh hoạt cần thực hành. Đạo khi đó trở thành một nếp sinh hoạt hời hợt bên ngoài, xa rời bản chất nên thường máy móc và dễ thay đổi. Nhất là đạo lại mang hơi hướng trần tục và có vẻ vụ lợi.

Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong bài “Mười căn bệnh làm băng hoại người công giáo” đã lưu ý chúng ta về bệnh chuẩn mực trần tục: Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người Công giáo kiểu đó thường hay trở thành công giáo tùy thời: Thịnh thì Công giáo, suy thì chối.

Ngài cũng đề cập việc loại người Công giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy. [3]

Nguy cơ của việc giữ đạo, có đạo, sở hữu đạo như là chiếm hữu một cái gì cho riêng ta, theo ý ta, là chúng ta sẽ hành đạo một cách lệch lạc, không đúng với ý Chúa và Tin Mừng Ki-tô giáo.

Thử hồi tâm xem chúng ta đã sống đạo thế nào. Đạo của chúng ta là Đạo-Chúa, Đạo-Tin-Mừng hay là Đạo-sinh-hoạt, Đạo-đoàn-thể, Đạo-lễ-nghi, Đạo-hoành-tráng, Đạo-phô-trương vv... Một linh mục đã chia sẻ như sau:

“Nhiều người Kitô hữu và một số chức sắc ngoại quốc đã từng trầm trồ về nét sinh hoạt sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cho tới hiện nay, bước vào thiên niên kỷ thứ III, chúng ta vẫn tương đối an tâm khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn, và ra như càng ngày càng nhiều hơn, những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội…

“Tuy nhiên, trong lòng những tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống đức tin có tính chất cá vị hình như lại khá yếu kém. Các nhà thờ của chúng ta thường đông người trong những giờ có tổ chức sinh hoạt phụng vụ, nhưng lại vắng hoe khi không có tổ chức nào. Ta thấy rất ít những người đến với Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức tin trong cuộc đời. Người ta chỉ đến với Chúa vì lề luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó.

“Tổ chức giáo xứ của chúng ta có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện được bao nhiêu cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất : làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện...Thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, người ta lại có thể đấu đá nhau sát ván bằng những phương thức không có một chút men Tin Mừng nào, ngay cả bằng những phương thức xã hội đen!...

“Nhiều người sinh hoạt lâu năm trong hội đoàn, nhiều em sinh hoạt một thời gian dài trong nhóm giúp lễ, nhưng khi hết hội đoàn, rời bỏ nhóm, thì tâm hồn cũng chẳng còn một chút gì là giá trị đạo. Nhiều trường hợp các em lại còn hư hỏng thêm do ‘gần chùa gọi bụt bằng anh’, hoặc do việc kết bè kết nhóm khi sinh hoạt hội đoàn. Nguyên do cũng chỉ vì sinh hoạt trở thành ‘đạo’, thành nguyên lý; và hết sinh hoạt, thì đạo cũng hết”. [4]

Xét như vậy ta thấy rằng có đạo mà chỉ “giữ” thôi chứ không “sống” thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng. Ki-tô hữu là người tin Chúa, có Chúa, theo Chúa nhưng thực tế là chúng ta biến đổi đạo Chúa thành đạo của mình, thay vì để cho Chúa biến đổi con người và cuộc sống mình theo ý Chúa muốn. Nhiều khi chúng ta coi việc chính là phụ và coi điều thứ yếu là chính yếu.

Đức HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhở chúng ta là hãy đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa. Bởi vì khi chúng ta quá say mê làm những việc-của-Chúa, việc-của-cộng đoàn, việc-của-đoàn thể thì sẽ dễ dàng bỏ qua đời sống nội tâm, lơ là việc kết hiệp với Chúa, khô khan ít cầu nguyện, và không quan tâm tới thực thi bác ái đối với tha nhân.

Khi đạo của chúng ta chỉ hời hợt bên ngoài với những việc làm thiên về phô trương, hoành tráng, cao ngạo, đua chen, hình thức thì lúc đó chúng ta đang sa đà vào cái thực trạng này là chúng ta có đạo nhưng không có Chúa.

Đức HY Phan-xi cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc đến bệnh phô trương chiến thắng như sau:

“Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng Pháp gọi là ‘triomphalisme’, người Mỹ cũng có từ ngữ ‘show up’.

“Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về ! Hãy từ bỏ chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?

“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”. [3]

* SỐNG ĐẠO

Bây giờ ta đề cập đến việc sống đạo như là căn bản của đời sống Ki-tô hữu. Điều này khác xa với việc giữ đạo đã đề cập ở trên.

. Sống Đạo là sống theo gương Chúa Giê-su và thực thi lời Ngài dạy.

Mỗi người trong chúng ta đều mang danh Ki-tô hữu, tức là “người-có-Đức-Kitô”. Tức là chúng ta đang sống sự sống của Đức Ki-tô và ta có thể tự hào nói như thánh Phao-lô, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế, tất cả con người và cuộc sống của chúng ta phải lấy Chúa làm mẫu gương và phản ánh hình ảnh Chúa trước mặt người khác. Chúa đã nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 29). Ở chỗ khác, Chúa cũng nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,18).

Chúng ta noi gương Chúa là để làm chứng nhân cho Chúa và làm chứng tá Tin Mừng của Ngài. Thông qua con người và cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta, mọi người thấy được ánh sáng Tin Mừng của Chúa, biết rõ bản chất đích thực của đạo Chúa và có thể cảm nhận được vinh quang Thiên Chúa ngay trong cuộc sống dương thế này. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nhấn mạnh vai trò và giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng, như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

Người Ki-tô hữu chúng ta có thể sống đạo thông qua gương chứng nhân trong nhiều cách thế. Chúng ta có thể làm gương sáng về: Đời sống tự nguyện khó nghèo vì Nước Trời; Không làm giàu một cách bất chính; Không phung phí tiền bạc và của cải vật chất vào những việc vô ích; Thái độ hiền lành và cư xử khiêm tốn, ôn hòa, chịu đựng; Biết hy sinh, can đảm và có tinh thần từ bỏ vì lòng mến Chúa, yêu người; Yêu thương mọi người kể cả kẻ thù, kẻ làm hại mình, kẻ ghét bỏ mình; Vâng phục thánh ý Chúa trong mọi sự và thực hành triệt để Lời Chúa dạy; Tôn trọng sự công bằng; Không tham nhũng, thâm lạm của công; Quan tâm bênh vực công lý, bênh vực kẻ bị áp bức; Sống ngay thẳng thật thà; Sự cảm thông và chia sẻ hoàn cảnh khó khăn, khốn khổ của tha nhân, tránh thái độ vô cảm vv...

Đối với Ki-tô hữu chân chính, sống đạo cũng là quyết tâm thực hành những lời dạy của Chúa, đồng thời thi hành thánh ý Ngài một cách trọn vẹn. Như chính Chúa Giê-su đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi ” (Mt 7, 21). Sự thực thi ý muốn của Chúa trong đời sống của người Ki-tô có một ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì khi chúng ta thực thi ý muốn và lệnh truyền của Chúa là chúng ta đã làm chứng về Chúa một cách cụ thể rồi. Trong suốt thời gian rao giảng về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã ban bố nhiều giáo huấn cho các môn đệ và những ai theo Ngài. Những lời dạy dỗ của Chúa nhắm đào tạo nên những Ki-tô hữu đích thực. Họ sống đạo, hành đạo theo khuôn mẫu của Chúa chứ không theo lề thói giả hình, bôi bác như người biệt phái Do Thái.

Chẳng hạn Chúa đã công bố Bài Giảng Trên Núi (Mt 5) như nền tảng của đạo mới, đạo Tân Ước, theo đó các luật sống của môn đệ được Ngài nhấn mạnh triệt để. Chúa cũng kêu gọi môn đệ phải biết hi sinh từ bỏ một cách dứt khoát (Mt 19; Mc 10; Lc 18) và một khi tin Chúa, theo Chúa thì người ta sẽ không ngần ngại liều mất mạng sống mình (Ga 12). Chúa cũng kêu gọi môn đệ thực thi giới răn quan trọng nhất, đó là mến Chúa yêu người. Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Đó là luật mới, luật yêu thương triệt để (Mt 22; Mc 12; Lc 10). Sống đạo là sống yêu thương, “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35).

. Sống đạo là thể hiện lòng tin một cách kiên trung

Sống đạo cũng là sống theo những gì mình tin và thể hiện đức tin ấy qua những việc làm và cách sống cụ thể. Thánh Gia-cô-bê khẳng định: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Hành động, việc làm của chúng ta có thể là những việc bổn phận hằng ngày trong gia đình. Có thể là những trách nhiệm mà chúng ta phải thi hành tại những nơi chúng ta làm việc, phục vụ. Có thể chúng ta chu toàn bổn phận Ki-tô hữu của mình, hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng, như đọc kinh, cầu nguyện, suy gẫm, dâng lễ, rước lễ, xưng tội, việc bác ái, hi sinh hãm mình vv... Ngay cả việc nhỏ bé như làm dấu Thánh giá và đọc kinh tạ ơn trước khi ăn chúng ta cũng không thể lơ là quên sót. Đó là biểu hiện chúng ta sống đức tin một cách cụ thể.

. Sống đạo là thực thi lòng Mến Ki-tô giáo một cách trọn hảo

Có thể nói nét chính yếu nhất của việc sống đạo của Ki-tô hữu, đó là thực thi lòng mến Ki-tô giáo. Mến Chúa yêu người luôn là giới răn quan trọng nhất. Thánh Phao-lô đã tóm tắt trong câu ngắn ngủi này, “Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10). Thánh Gio-an cũng nhấn mạnh, “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Việc yêu người luôn xuất phát từ lòng mến Chúa. Cho nên những ai tin theo Chúa thì không thể bỏ sót việc thực thi nhiệm vụ bác ái đối với tha nhân được. Việc sống đạo, hành đạo của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết tích cực phục vụ Đức Ki-tô trong anh em. Như Chúa đã phán, “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).

Chúng ta vẫn thường tự hào nói rằng “Đạo Công giáo là đạo-yêu”. Điều đó rất chính xác. Có nghĩa là Ki-tô hữu chúng ta phải là những người biết yêu và sống yêu. Chúa Giê-su cũng đã khẳng định chỉ những người yêu anh em mình thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa (x. Ga 13, 34-35). Thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh, “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8)./.

Aug. Trần Cao Khải


CÁC TIN KHÁC

MÙA CHAY NĂM B 2024
MÙA CHAY NĂM B 2024

HẠNH PHÚC
Một vị vua nọ có tất cả mọi sự, nhưng không bao giờ cảm thấy được hạnh phúc. Ngày kia có một người khuyên nhà vua ..........

MÙA PHỤC SINH NĂM B
MÙA PHỤC SINH NĂM B

NIỀM HI VỌNG NƯỚC TRỜI
Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế.Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta...........

MÙA CHAY NĂM B - 2021
MÙA CHAY NĂM B - 2021

CHÂN DUNG MỤC TỬ GIÊSU
Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do-thái ngày xưa chuyên nghề du mục.........

THỨ TƯ LỄ TRO 17-02-2021
THỨ TƯ LỄ TRO 17-02-2021

HÃY XÉ LÒNG
Mùa Chay là mùa trở về của tâm hồn, mùa tâm hồn tìm về với Thiên Chúa trong sâu lắng của tình yêu thống hối Khởi đầu Mùa Chay, Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Giôen mời gọi mọi người trở về với Ngài là “Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”, bằng “đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,13).

MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021
MỪNG XUÂN TÂN SỬU 2021

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
Hôm nay Mồng Ba Tết, ngày Giáo Hội Việt Nam mời gọi chúng ta dâng mọi công việc làm của mình lên cho Thiên Chúa, để xin Ngài thánh hoá nó trở nên công cụ làm ra cơm bánh nuôi sống thân xác chúng ta,

Top