CỘNG ĐOÀN CHÚA KITÔ PHỤC SINH

TRUNG TÂM ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

1616 Pyrenees Avenue - Stockton, CA 95210

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH NĂM B - 07-04-2024

Đăng vào: 19:04 NGÀY 12/04/2024        Số lượt xem: 38

TƯỞNG LÀ THẤY MA

(14.04.2024 – Chúa Nhật Tuần 3 Phục Sinh, Năm B)

LỜI CHÚA

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

SUY NIỆM

Kitô hữu chúng ta thường nghĩ rằng tin Thầy Giêsu phục sinh chẳng có gì khó. Chỉ cần thấy mồ không còn xác Thầy nằm đấy, và thấy Thầy hiện ra với mình, là có niềm tin ngay. Qua các sách Tin Mừng, ta lại thấy tin không dễ chút nào.

Khi Thầy Giêsu hiện ra với mười một môn đệ trên một ngọn núi đã được báo trước, ở Galilê, có những ông quỳ xuống bái lạy, nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi (Mt 28,17). Khi Thầy Giêsu hiện ra với mười môn đệ, ông Tôma không có mặt, và ông tuyên bố sẽ không tin nếu không được tự mình kiểm chứng (Ga 20,25.27). Thầy Giêsu trách Tôma cứng lòng, chỉ chịu tin khi thấy. Nhưng Thầy còn trách cả Nhóm Mười Một (Mc 16,14) vì họ không tin những kẻ đã thấy Ngài sau phục sinh. Họ cũng không tin lời chứng của các phụ nữ (Lc 24,10-11).

Quả thật không dễ tin vào sự sống lại của vị Thầy đã bị đóng đinh, chết và chôn táng trong mồ. Chuyện này chưa bao giờ xảy ra cho ai trên thế giới. Tuy vậy, niềm tin Đức Giêsu đã được phục sinh lại là niềm tin cốt lõi và căn bản của Kitô giáo. Sau khi về với Cha, Thầy Giêsu muốn các môn đệ trở thành những chứng nhân cho sự phục sinh của Thầy. Họ sẽ không đi rao giảng tin buồn về một vĩ nhân đã chết, nhưng sẽ đi loan báo Tin Mừng về một Đấng đã chết nhưng nay đang sống, Đấng ấy đã đến gặp họ, và đang hoạt động với họ. Chính vì thế các môn đệ cần một kinh nghiệm sâu xa. Đấng phục sinh đích thân hiện ra để cho họ kinh nghiệm đó. Nhờ vậy họ có một niềm xác tín không lay chuyển, đến nỗi dám hiến mạng sống để làm chứng sau này.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Thầy Giêsu nỗ lực để làm cho Nhóm Mười Một tin Thầy đã phục sinh. Dù Thầy đã hiện ra cho Simôn và hai môn đệ về Emmau, nhưng lạ thay, khi Thầy hiện ra cho Nhóm Mười Một thì họ lại kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma (Lc 24,36-37). Chắc họ nghĩ đây là hồn của người chết hiện về, mỏng manh như sương khói. Ngài đã cho họ xem, thậm chí rờ vào tay chân Ngài. Ngài thuyết phục họ bằng lý luận để họ tin: “Chính Thầy đây, cứ rờ mà xem, ma đâu có thịt xương như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39). Nhưng vì các ông vẫn chưa tin và còn ngỡ ngàng, Thầy Giêsu đã ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông. Đấng phục sinh đã làm những điều cụ thể, để các ông thấy Ngài không phải là ma, nhưng là người đang sống với thân xác được phục sinh.

Đấng phục sinh không chỉ giúp các ông tin bằng giác quan. Điều ấy cần nhưng không đủ. Như đối với hai môn đệ Emmau, Ngài còn muốn cho họ thấy đau khổ và cái chết của Ngài đã được ghi trong Sách Thánh. Đó không phải là một thất bại hay rủi ro, nhưng là điều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Qua Khổ nạn, Thầy Giêsu được vào vinh quang. Qua Phục sinh, ơn tha tội đến với mọi dân tộc (Lc 24,47). Nhờ lời giải thích Kinh Thánh của Thầy Giêsu, mọi biến cố đau buồn đã qua trở nên hiểu được, và mọi vết thương trong tâm hồn họ được chữa lành.

Hôm nay Chúa Giêsu không hiện ra để giải thích Kinh Thánh, hay bẻ bánh trao cho ta. Nhưng khi chúng ta tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật, Chúa phục sinh tiếp tục giải thích Kinh Thánh, và trao cho ta Tấm Bánh là Mình Ngài. Ngài vẫn bao dung, kiên nhẫn và yêu thương như xưa. Chỉ mong chúng ta dám thực hiện mệnh lệnh của Ngài, đó là rao giảng và làm chứng cho Đấng phục sinh…

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Xin cho chúng con học được cách cư xử của Chúa.

Khi được Cha trao toàn quyền trên trời dưới đất, Chúa vẫn cư xử tế nhị như một người phục vụ. Chúa nướng bánh và cá cho các môn đệ ăn.

Khi được Cha cho sống lại vinh quang, Chúa vẫn là người đi bước trước đến với các môn đệ. Chúa hẹn họ đến Galilê, để nối lại tình Thầy trò, để chữa lành những vết thương do vấp ngã.

Khi được Cha nâng dậy từ cõi chết, Chúa không quên tấm lòng của các phụ nữ, những người đã theo Chúa từ lâu, đã có mặt khi Chúa chịu đóng đinh và chôn táng. Những phụ nữ đầu tiên ra thăm mộ là những người đầu tiên được gặp Chúa, và được Chúa trao sứ mạng loan báo Tin Vui.

Chúng con học nơi Chúa sự nhẫn nại, khi thấy Chúa chịu đựng sự cứng lòng của ông Tôma, học nơi Chúa óc hài hước, khi thấy Chúa đồng hành với hai môn đệ bỏ đi vì thất vọng.

Chúa phục sinh cao cả nhưng đã tự hạ mình để chinh phục lại nhóm môn đệ, không để mất một ai. Chúa có nhiều cách để làm cho người ta nhận ra Chúa, qua việc gọi tên hay làm cử chỉ bẻ bánh, qua mẻ cá lạ hay qua việc cho họ xem những vết thương… Chúa đến qua hình dáng anh làm vườn hay người khách lạ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Xin dạy chúng con đem đến cho con người hôm nay an bình và hy vọng, niềm tin yêu và Thánh Thần. Xin cho khuôn mặt chúng con luôn tươi vui để làm chứng, luôn bừng sáng để tỏa lan sức sống của Chúa. Amen.

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


CÁC TIN KHÁC

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM B - 28-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM B - 28-04-2024

SINH NHIỀU HOA TRÁI
(28.04.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 5 PHỤC SINH, NĂM B)

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả tương quan thân thiết giữa Ngài và người tín hữu. Hai bên biết nhau, hiểu ngôn ngữ của nhau. Người mục tử tốt dám chết để chiên được sống dồi dào. Trong bài Tin Mừng hôm nay, để diễn tả tương quan ấy, Đức Giêsu lại dùng một hình ảnh quen thuộc khác, đó là hình ảnh cây nho và cành nho gắn kết với nhau, vì cây nho là cây được trồng nhiều ở nước Israen.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH NĂM B - 21-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH NĂM B - 21-04-2024

MỤC TỬ NHÂN LÀNH
(21.04.2024 – Chúa Nhật 4 Tuần Phục Sinh, Năm B - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Palestin. Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết. Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH NĂM B - KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT - 07-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH NĂM B - KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT - 07-04-2024

VUI MỪNG VÌ THẤY CHÚA
(07.04.2024 – Chúa Nhật Tuần 2 Phục SInh, Năm B)

"Chúng tôi đã được thấy Chúa" Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ. Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất, nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi. Ðộng từ "thấy" được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này. Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm. Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay. Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn. Ðể thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin. Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA PHỤC SINH NĂM B - LỄ PHỤC SINH - 31-03-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA PHỤC SINH NĂM B - LỄ PHỤC SINH - 31-03-2024

ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
(31.03.2024 – Chúa Nhật Phục Sinh, Năm B)

Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng. Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra. Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất. Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Macđala! Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối. Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được, chỉ mong cho chóng sáng để lên đường. Ai có thể hiểu được trái tim của bà? Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25) và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61). Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên, trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến...

SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA CHAY NĂM B - LỄ LÁ - 24-03-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA CHAY NĂM B - LỄ LÁ - 24-03-2024

ĐỂ ỨNG NGHIỆM LỜI SÁCH THÁNH
(24.03.2024 – Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B)

Khi nghĩ xem ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa, chúng ta nghĩ ngay đến Giuđa Ítcariốt, một môn đệ thân thiết trong nhóm Mười Hai. Chính anh ấy đã đến gặp các thượng tế để nộp Đức Giêsu. Chúng ta không rõ tại sao Giuđa lại phản bội. Phải chăng chỉ vì ba mươi đồng bạc hay còn vì điều gì khác? Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chịu trách nhiệm. Họ ganh ghét với Đức Giêsu và nhiều lần muốn giết Ngài. Đối với họ, Đức Giêsu là kẻ thù, là người phá đạo, vì chẳng chịu giữ những luật lệ của Môsê. Chính họ đã sai người đi bắt Đức Giêsu, đã đưa Ngài ra tòa, và đã kết án tử cho Ngài vì tội phạm thượng.

Top