CỘNG ĐOÀN CHÚA KITÔ PHỤC SINH

TRUNG TÂM ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

1616 Pyrenees Avenue - Stockton, CA 95210

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM B - 17-12-2023

Đăng vào: 20:12 NGÀY 15/12/2023        Số lượt xem: 150

NGƯỜI LÀM CHỨNG

(17.12.2023 – Chúa Nhật Tuần 3 Mùa Vọng, năm B)

Lời Chúa: Ga 1, 6-8. 19-28

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Êlia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Êlia”. - “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”.

Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Êlia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”.

Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng trên đây cụm từ làm chứng được dùng đến bốn lần. Lẽ sống của Gioan là làm chứng. Ông được Thiên Chúa sai đến để làm chứng (Ga 1,6-7). Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19). Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (x. Ga 5, 35) giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Ðức Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa, tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy. Các nhà lãnh đạo Do-thái giáo cử một phái đoàn đến tìm hiểu hay điều tra về con người ông. Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai? (Ga 1,19), Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: “Tôi không phải là Ðức Kitô” – “Không phải” – “Không”. Những tiếng không dứt khoát và trung thực. Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông. Ông chẳng là Đức Kitô hay một Êlia tái giáng, cũng chẳng là một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê. Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Ðấng ông giới thiệu bị che khuất. Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai? Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người sửa đường cho Ðức Kitô. Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30). Gioan Tẩy giả là tiếng hô trong thời gian, còn Đức Kitô Giêsu là Lời vĩnh cửu. Tiếng vang lên để giới thiệu Lời. Khi tiếng tắt đi thì Lời còn ở lại.

Gioan tự xóa mình trước Ðức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần. Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Ðức Giêsu, và sau này, ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (x. Ga 1,36; 3,26). Có ai siêu thoát như Gioan? Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên. Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng. “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30). Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.

“Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.” Chính Gioan cũng không biết Đức Giêsu (Ga 1,31.33). Chỉ khi ông làm phép rửa cho Ngài ở sông Gio-đan, chỉ khi ông thấy Thần Khí ngự xuống và ở lại trên Ngài, ông mới nhận ra Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Gioan đã có kinh nghiệm gặp gỡ Đấng trổi vượt hơn ông. Ông đã thấy và đã giới thiệu cho dân Israel (Ga 1,29): “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ông đã thấy và đã làm chứng cho cả thế giới: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa (Ga 1,34).

Ðấng Cứu Ðộ đã đến với loài người từ hơn 2000 năm, vậy mà Ðức Giêsu vẫn xa lạ với nhiều người. Mỗi người chúng ta phải là những Gioan Tẩy giả, dám cất tiếng hô to giữa hoang địa của thế giới hôm nay, dám làm chứng về Đấng mình đã biết, đã thấy, đã tin. Chỉ mong đời sống của chúng ta là một lời làm chứng, vì chúng ta đã dám xóa mình để Đức Kitô được lớn lên.

Cầu Nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J


CÁC TIN KHÁC

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM B - 28-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM B - 28-04-2024

SINH NHIỀU HOA TRÁI
(28.04.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 5 PHỤC SINH, NĂM B)

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả tương quan thân thiết giữa Ngài và người tín hữu. Hai bên biết nhau, hiểu ngôn ngữ của nhau. Người mục tử tốt dám chết để chiên được sống dồi dào. Trong bài Tin Mừng hôm nay, để diễn tả tương quan ấy, Đức Giêsu lại dùng một hình ảnh quen thuộc khác, đó là hình ảnh cây nho và cành nho gắn kết với nhau, vì cây nho là cây được trồng nhiều ở nước Israen.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH NĂM B - 21-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH NĂM B - 21-04-2024

MỤC TỬ NHÂN LÀNH
(21.04.2024 – Chúa Nhật 4 Tuần Phục Sinh, Năm B - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Palestin. Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết. Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH NĂM B - 07-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH NĂM B - 07-04-2024

TƯỞNG LÀ THẤY MA
(14.04.2024 – Chúa Nhật Tuần 3 Phục Sinh, Năm B)

Kitô hữu chúng ta thường nghĩ rằng tin Thầy Giêsu phục sinh chẳng có gì khó. Chỉ cần thấy mồ không còn xác Thầy nằm đấy, và thấy Thầy hiện ra với mình, là có niềm tin ngay. Qua các sách Tin Mừng, ta lại thấy tin không dễ chút nào.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH NĂM B - KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT - 07-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH NĂM B - KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT - 07-04-2024

VUI MỪNG VÌ THẤY CHÚA
(07.04.2024 – Chúa Nhật Tuần 2 Phục SInh, Năm B)

"Chúng tôi đã được thấy Chúa" Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ. Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất, nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi. Ðộng từ "thấy" được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này. Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm. Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay. Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn. Ðể thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin. Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA PHỤC SINH NĂM B - LỄ PHỤC SINH - 31-03-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA PHỤC SINH NĂM B - LỄ PHỤC SINH - 31-03-2024

ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
(31.03.2024 – Chúa Nhật Phục Sinh, Năm B)

Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng. Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra. Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất. Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Macđala! Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối. Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được, chỉ mong cho chóng sáng để lên đường. Ai có thể hiểu được trái tim của bà? Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25) và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61). Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên, trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến...

Top