CỘNG ĐOÀN CHÚA KITÔ PHỤC SINH

TRUNG TÂM ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU

1616 Pyrenees Avenue - Stockton, CA 95210

SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM B - 24-12-2023

Đăng vào: 21:12 NGÀY 22/12/2023        Số lượt xem: 111

MỪNG VUI LÊN

(24.12.2023 – Chúa Nhật Tuần 4 Mùa Vọng, năm B)

Lời Chúa Lc 1, 26-38

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Suy niệm:

Khi suy niệm mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta thường nghĩ tới biến cố Chúa sinh ra ở Bêlem. Thật ra mầu nhiệm này đã bắt đầu từ sau tiếng Xin Vâng của Ðức Maria ở Nadarét. Sau tiếng Xin Vâng ấy, Ngôi Lời đã thành một thai nhi, lớn lên trong lòng mẹ như hàng tỉ con người khác, cần chín tháng mới có thể cất tiếng khóc chào đời. Ngôi Lời không lẫm liệt từ trời bước xuống. Ngài muốn là người trăm phần trăm, nên Ngài cần một người mẹ. Ngài đi ra từ lòng mẹ: mong manh, yếu đuối. Ngôi Lời đã thành một người như chúng ta, chia sẻ trọn vẹn phận người như chúng ta, trừ phạm tội.

Ngôi Lời đã là người, và mãi mãi là người. Ngài đã đi hết hành trình cuộc sống với tất cả nỗi buồn vui, âu lo và trăn trở. Chẳng ai hiểu chúng ta bằng Ngài. Ngài không xa lạ với những gánh nặng của cuộc sống. Hôm nay Ngôi Lời vẫn là người, ngự bên hữu Chúa Cha. Có một người được tôn vinh ở giữa lòng Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu trái đất. Trái đất chỉ là một trong số hàng tỉ tỉ vì sao, nhưng nó vẫn có thế đứng ưu việt, vì là nơi Con Thiên Chúa đã đặt chân, đã sống. Bầu trời, rừng xanh, mạch nước, biển khơi... tất cả phải được gìn giữ cho thanh khiết. Trái đất là nhà của con người, nhà của mọi sinh vật, nhưng cũng là ngôi nhà của Con Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu cuộc đời, yêu mảnh đời nhỏ bé của mình. Có lắm người dễ dàng tìm đến cái chết vì thấy bế tắc, tuyệt vọng, vì thấy đời vô nghĩa. Mảnh đời của Ðức Giêsu đâu phải chỉ màu hồng: long đong với phận nghèo, ê chề vì thất bại, bị tước đoạt đến tột cùng trên thập giá. Nhưng Ngài đã sống mảnh đời ấy cho đến cùng, vững tin đến cùng vào tình Cha, ngay giữa vực sâu và tăm tối.

Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu mọi người. Từ khi Con Thiên Chúa mang khuôn mặt của con người thì mọi người đều mang khuôn mặt của Thiên Chúa. Nơi khuôn mặt mới hình thành của một thai nhi, hay của một em nhỏ ngơ ngác vì mất mẹ ở dải Gaza, nơi khuôn mặt của hàng trăm ngàn anh lính trẻ nằm xuống, của cả hai bên thù nghịch nhau và giết nhau ở Ukraina, nơi khuôn mặt có màu da đen, trắng hay vàng, khác nhau về tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm... Tất cả đều mang khuôn mặt của Chúa Giêsu. Xúc phạm con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.

Nhờ tiếng Xin Vâng đầy phó thác của Mẹ Maria, Con Thiên Chúa đã đi vào thế giới loài người. Sau hai ngàn năm, tuy đạt được tiến bộ về mọi mặt, thế giới ấy vẫn mang đầy thương tích đớn đau, đầy những xung đột và bất ổn. Thế giới hôm nay vẫn cần Đấng Cứu Độ. Như Đức Maria, chúng ta có nhiệm vụ trao Chúa Giêsu. Nhưng trước khi có thể cưu mang và hạ sinh Chúa một cách thiêng liêng trong trái tim tha nhân. chúng ta phải để cho Chúa được sinh ra một cách thiêng liêng trong tâm hồn mình.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Chúa đã làm người như chúng con, nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người. Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc mà con người lại yếu đuối mong manh. Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt, và giữa ánh sáng, cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu, nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây, xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc. Xin đồng hành với con, để con không cô đơn. Xin cho con yêu đời luôn dù đời chẳng luôn đáng yêu. Xin cho con can đảm đối diện với những thách đố vì biết rằng cuối cùng chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J


CÁC TIN KHÁC

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM B - 28-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM B - 28-04-2024

SINH NHIỀU HOA TRÁI
(28.04.2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 5 PHỤC SINH, NĂM B)

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả tương quan thân thiết giữa Ngài và người tín hữu. Hai bên biết nhau, hiểu ngôn ngữ của nhau. Người mục tử tốt dám chết để chiên được sống dồi dào. Trong bài Tin Mừng hôm nay, để diễn tả tương quan ấy, Đức Giêsu lại dùng một hình ảnh quen thuộc khác, đó là hình ảnh cây nho và cành nho gắn kết với nhau, vì cây nho là cây được trồng nhiều ở nước Israen.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH NĂM B - 21-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH NĂM B - 21-04-2024

MỤC TỬ NHÂN LÀNH
(21.04.2024 – Chúa Nhật 4 Tuần Phục Sinh, Năm B - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành)

Mục tử và đàn chiên trên đồng cỏ là một hình ảnh quen thuộc đối với người Palestin. Giữa người và chiên có một mối tương quan mật thiết. Ở đây Ðức Giêsu tự ví mình như người mục tử. Mục tử nhân lành khác với người chăn thuê, vì dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, chứ không bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH NĂM B - 07-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA PHỤC SINH NĂM B - 07-04-2024

TƯỞNG LÀ THẤY MA
(14.04.2024 – Chúa Nhật Tuần 3 Phục Sinh, Năm B)

Kitô hữu chúng ta thường nghĩ rằng tin Thầy Giêsu phục sinh chẳng có gì khó. Chỉ cần thấy mồ không còn xác Thầy nằm đấy, và thấy Thầy hiện ra với mình, là có niềm tin ngay. Qua các sách Tin Mừng, ta lại thấy tin không dễ chút nào.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH NĂM B - KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT - 07-04-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH NĂM B - KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT - 07-04-2024

VUI MỪNG VÌ THẤY CHÚA
(07.04.2024 – Chúa Nhật Tuần 2 Phục SInh, Năm B)

"Chúng tôi đã được thấy Chúa" Ðó là tiếng reo vui ngây ngất của các môn đệ. Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, chết và chôn cất, nay bất ngờ hiện đến, đứng giữa họ thật gần gũi. Ðộng từ "thấy" được nhắc đến 6 lần trong bài Tin Mừng này. Thấy Thầy vẫn như xưa, với những dấu đinh và vết đâm. Nhưng Thầy cũng khác xưa, nên không dễ nhận ra ngay. Maria Macđala cứ tưởng Thầy là người làm vườn. Ðể thấy được Chúa phục sinh, cần có đức tin. Ai tin mới thấy, và thấy để rồi tin hơn.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA PHỤC SINH NĂM B - LỄ PHỤC SINH - 31-03-2024
SUY NIỆM CHÚA NHẬT MÙA PHỤC SINH NĂM B - LỄ PHỤC SINH - 31-03-2024

ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN
(31.03.2024 – Chúa Nhật Phục Sinh, Năm B)

Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng. Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra. Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất. Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Macđala! Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối. Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được, chỉ mong cho chóng sáng để lên đường. Ai có thể hiểu được trái tim của bà? Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25) và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61). Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên, trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến...

Top